1. Công dụng của son dưỡng môi
Không giống như nhiều vùng da khác, môi không có tuyến dầu nên không tiết ra dầu để giữ ẩm một cách tự nhiên. Đồng thời, lớp da trên môi rất mỏng và dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc chăm sóc da môi là vô cùng quan trọng.
Son dưỡng môi là sản phẩm được thiết kế để bảo vệ môi khỏi tác động của môi trường, giữ nước và cung cấp dưỡng chất cần thiết để duy trì độ ẩm và độ mềm mại của môi. Son dưỡng môi thường được sử dụng hàng ngày, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết khô hanh, gió lạnh.
Một sản phẩm son dưỡng môi thường bao gồm ít nhất hai thành phần hoạt chất: Một thành phần dưỡng ẩm (còn gọi là chất làm mềm hoặc chất giữ ẩm) như glycerin, lanolin hoặc bơ hạt mỡ và một thành phần sáp giúp son dưỡng bám vào môi.
Son dưỡng môi được ưa chuộng vì nó mang lại nhiều lợi ích. Tùy thuộc vào thành phần, son dưỡng môi có thể:
- Giảm kích ứng và môi nứt nẻ.
- Tạo ra hiệu ứng bóng đẹp về mặt thẩm mỹ (tương tự như son bóng nhưng có thêm lợi ích).
- Dưỡng ẩm, làm mềm môi.
- Bảo vệ môi khỏi tác hại của tia cực tím.
- Làm mờ các đường rãnh trên môi do lão hóa…
Bạn có thể sử dụng son dưỡng môi vào bất kỳ thời điểm nào, tuy nhiên, thoa son dưỡng vào những thời điểm nhất định trong ngày có thể giúp đôi môi mềm mại hơn, ngậm nước hơn.
– Trong môi trường sử dụng điều hòa không khí: Thời gian dài ở trong phòng có máy điều hòa có thể khiến môi bị khô.
– Trước khi tô son môi: Thoa một ít son dưỡng môi trước khi tô son sẽ giúp môi mềm mại và giữ son môi lâu trôi hơn.
– Trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Môi sẽ bị khô, nứt nẻ, lão hóa và thâm do tia UV có hại. Vì vậy, luôn thoa son dưỡng môi có thành phần chống nắng khi ra ngoài trời.
– Sau mỗi bữa ăn: Nếu muốn tận dụng lợi ích dưỡng ẩm của son dưỡng môi cần thoa lại sau mỗi bữa ăn.
– Trước khi đi ngủ: Nên bôi một lớp son dưỡng môi mỗi tối trước khi đi ngủ để cung cấp độ ẩm bảo vệ cho đôi môi suốt đêm.
Nhưng trong một số điều kiện nhất định bạn có thể cần sử dụng son dưỡng môi thường xuyên hơn. Ví dụ, nếu bạn sống ở một nơi có khí hậu khắc nghiệt, gió, khô, lạnh… Tương tự như vậy, nếu bạn liên tục liếm môi do lo lắng hoặc căng thẳng, cũng cần sử dụng son dưỡng môi thường xuyên hơn. Nếu không, đôi môi sẽ bị nứt nẻ và lặp lại vòng luẩn quẩn khiến bạn càng liếm môi nhiều hơn.
Một số tình trạng sức khỏe nhất định cũng có thể dẫn đến khô môi, đòi hỏi phải sử dụng son dưỡng môi thường xuyên. Ví dụ, những người trải qua hóa trị thường gặp phải một loạt tác dụng phụ khó chịu, một trong số đó là khô môi mạn tính. Việc sử dụng thường xuyên một loại son dưỡng môi không gây kích ứng có thể giúp giảm bớt sự khó chịu này.
Khi sử dụng son dưỡng môi, cũng cần lưu ý làm sạch môi trước khi thoa son dưỡng. Nếu môi bị tổn thương hoặc có vết thương, hạn chế sử dụng để tránh kích thích và làm tổn thương thêm. Không nên chia sẻ son dưỡng môi với người khác để giảm nguy cơ lây truyền vi khuẩn hoặc bệnh truyền nhiễm.
3. Một số điều cần biết trước khi mua son dưỡng môi
Nhiều loại sản phẩm son dưỡng môi kém chất lượng hay chứa hóa chất có thể gây hại. Thường xuyên thoa những thứ này lên môi có thể gây tổn thương lâu dài cho môi hoặc làm khô môi thay vì dưỡng ẩm cho môi. Vì vậy việc kiểm tra kỹ thành phần của son dưỡng môi trước khi sử dụng rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ kích ứng.
Những thành phần cần tránh là:
– Paraben: Một loại chất bảo quản có thể có trong mỹ phẩm nhưng gây nhiều vấn đề tiềm ẩn có hại cho sức khỏe.
– Chất tạo màu và hương liệu tổng hợp: Một số người có làn da nhạy cảm có thể phản ứng với các chất tạo màu và hương liệu tổng hợp, cần thận trọng.
– Phenol: Phenol đôi khi được sử dụng để tạo hiệu ứng làm căng mọng môi và hoạt động như chất bảo quản cho các thành phần khác, cần thận trọng.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo son dưỡng môi vẫn an toàn và hiệu quả. Hạn sử dụng thường được ghi trên bao bì của sản phẩm. Nên bảo quản son dưỡng môi ở nhiệt độ phòng và tránh ánh nắng trực tiếp để ngăn chặn sự biến đổi của sản phẩm.