1. Tại sao phải tẩy da chết?
Tẩy da chết là việc loại bỏ các tế bào chết còn bám trên bề mặt biểu bì làm xỉn màu da. Là một cơ quan sống, da không ngừng tái tạo. Các tế bào mới thay thế những tế bào chết. Đây là một chu kỳ khác nhau ở mỗi người và chậm lại khi chúng ta già đi, nhưng trung bình là 5-6 tuần một lần.
Trong quá trình đó, chúng ta mất (trung bình) gần một triệu tế bào da chết mỗi ngày. Tuy nhiên, đôi khi một số tế bào da chết không bong ra và đọng lại trên bề mặt da khiến da xỉn màu và kém rạng rỡ. Sự tích tụ tế bào da chết này còn khiến việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da sau khó phát huy tác dụng.
Bằng cách loại bỏ tế bào chết sẽ cung cấp oxy cho da và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái tạo tế bào.
Dưới đây là những lợi ích của việc tẩy tế bào chết:
– Giúp giải độc da và cải thiện quá trình oxy hóa để có làn da khỏe mạnh và tươi trẻ hơn.
– Loại bỏ các tế bào chết hiện diện trên bề mặt da: Giúp cải thiện kết cấu da, làm se khít lỗ chân lông.
– Cải thiện sự thẩm thấu của da: Khi được làm sạch sâu và loại bỏ các tế bào thừa, da cũng sẽ dễ thẩm thấu hơn đối với các loại mỹ phẩm như kem dưỡng da và sản phẩm điều trị.
– Tăng cường tái tạo tế bào: Tạo tế bào mới và tái tạo làn da giúp ngăn ngừa lão hóa da.
– Làm mờ các đốm sắc tố: Loại bỏ các tế bào sắc tố còn sót lại trên bề mặt giúp màu da đồng đều.
– Giảm và xóa mụn đầu đen: Do chất tẩy da chết thấm sâu vào da để làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ bã nhờn tích tụ. Đây là hai yếu tố dẫn đến sự xuất hiện của mụn trứng cá, mụn đầu đen..
Có hai loại sản phẩm tẩy da chết là vật lý và hóa học. Mặc dù cả hai đều phục vụ cùng một mục đích nhưng thành phần, kết cấu và chức năng của chúng lại khác nhau rất nhiều.
2. Tẩy da chết vật lý là gì?
Phần lớn các sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý có dạng hạt nghiền, thường được làm từ các thành phần tự nhiên như hạt trái cây, đường hoặc cà phê. Chúng có tác dụng chà hoặc bong tróc da chết một cách cơ học khi massage mặt.
Tuy nhiên, mặc dù các chất tẩy da chết vật lý tự nhiên thường an toàn nhưng có thể gây mài mòn quá mức đối với da mặt mỏng và có xu hướng gây rách vi mô. Những vết rách siêu nhỏ này làm cho làn da dễ bị tổn thương hơn, trước tác hại của môi trường và các chất kích thích bên ngoài khác như ô nhiễm và vi khuẩn.
Lưu ý, không phải sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý nào cũng có hại, mà còn phụ thuộc phần lớn vào kích thước và nồng độ của các hạt vật lý. Tùy thuộc vào sản phẩm, các hạt sẽ có kích thước lớn hay nhỏ. Hạt càng nhỏ mịn thì càng cho phép việc tẩy da chết nhẹ nhàng mà không tấn công lớp biểu bì. Ví dụ, những loại có chứa hạt trái cây thường có các hạt lớn hơn với các cạnh thô hơn dễ bị mài mòn hơn.
Tẩy da chết vật lý thường được khuyên dùng cho các loại da thường, da hỗn hợp hoặc da dầu, không nên dùng cho da nhạy cảm.
Một cách khác để tẩy tế bào chết vật lý cho da là sử dụng phương pháp cơ học hoặc cơ học kết hợp với các thành phần tự nhiên, bao gồm:
– Tẩy da chết bằng bàn chải: Sử dụng bàn chải có lông mềm hoặc bàn chải đặc biệt thiết kế cho việc tẩy da chết. Chải nhẹ lên da để loại bỏ tế bào da chết.
– Tẩy da chết bằng việc sử dụng găng tay tẩy da chết: Găng tay tẩy da chết thường được làm bằng vải tự nhiên hoặc silicone và được sử dụng để massage và lấy đi tế bào da chết khi da còn ẩm ướt.
Đây có thể là những lựa chọn nhẹ nhàng và dễ dàng, đặc biệt là đối với da cơ thể.
3. Tẩy da chết hóa học
Tẩy da chết hóa học là một phương pháp sử dụng các hợp chất hóa học để loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da. Tẩy da chết hóa học khai thác sức mạnh của các enzyme và axit tự nhiên để loại bỏ tế bào da chết ở mức độ sâu hơn.
- AHA (alpha hydroxy acid) có nguồn gốc từ các chất tự nhiên như axit lactic (từ sữa) và axit citric (từ trái cây). AHA hòa tan trong nước, vì vậy chúng chỉ tẩy tế bào chết ở các lớp trên cùng của da.
- BHA (axit beta hydroxy) có khả năng kháng khuẩn và thấm sâu vào lỗ chân lông giúp da sạch sâu. BHA hòa tan trong dầu, có nghĩa là chúng có thể tiếp cận sâu hơn vào lỗ chân lông làm sạch và tẩy tế bào chết cho làn da từ bên trong.
Tẩy da chết hóa học thường nhẹ nhàng hơn so với tẩy da chết vật lý, nên có thể được sử dụng cho làn da nhạy cảm. Tuy nhiên, tẩy da chết hóa học không loại bỏ da theo cách thủ công, nên sẽ ít có nguy cơ lạm dụng quá mức và khiến da bị kích ứng hoặc tổn thương.
4. Nên tẩy tế bào chết cho da mặt bao lâu một lần?
Cho dù sử dụng tẩy da chết vật lý hay hóa học, cũng không nên lạm dụng. Tẩy tế bào chết quá thường xuyên hoặc quá mạnh có thể phá hủy hàng rào bảo vệ của da, khiến da dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc nhạy cảm, khô và bong tróc.
Tẩy da chết quá mức có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ da – lớp dầu và chất béo bảo vệ cùng với tế bào chết giúp giữ độ ẩm cho da và ngăn chặn các chất kích ứng xâm nhập. Khi các đặc tính bảo vệ này bị loại bỏ do tẩy da chết quá mức, hàng rào bảo vệ sẽ bị suy yếu.
Nên tẩy tế bào chết 2 lần/tuần đối với da dầu, nhưng da thường chỉ nên tẩy tế bào chết 1 lần/tuần. Da khô và nhạy cảm sẽ lựa chọn tần suất tẩy da chết 10 ngày một lần.
5. Nên làm gì và không nên làm gì sau khi tẩy tế bào chết?
Sau khi tẩy da chết, tránh lột da (tẩy da chết hóa học bằng axit glycolic), trị liệu bằng axit trái cây và trị liệu da mặt chuyên nghiệp khác. Thay vào đó, sử dụng serum, mặt nạ và kem dưỡng da ngày và đêm.
Không tiếp tục tẩy da chết nếu gây mẩn đỏ hoặc kích ứng. Nếu da nhạy cảm, trở nên đỏ hoặc bong tróc hoặc châm chích sau khi tẩy tế bào chết, nên dừng ngay.
Tẩy da chết khi thực hiện đúng cách, có thể mang lại nhiều lợi ích cho da nhưng cần đảm bảo luôn chú ý đến cảm giác và phản ứng của da, để có thể tận dụng tối đa tác dụng của nó và không gây tổn hại cho làn da.
Mời xem thêm video đang được quan tâm: