“Hỏng mặt” vì mua phải mỹ phẩm rởm
Đã gần 1 tháng nay, chị Nguyễn Minh Thu (25 tuổi, tại quận Ba Đình, Hà Nội) phải điều trị da mặt tại một phòng khám da liễu do mua và sử dụng mỹ phẩm có tác dụng cấp ẩm, trắng da trên mạng xã hội về sử dụng.
Chị Thu chia sẻ: “Mình mua kem dưỡng trắng da ở một fanpage quảng cáo trên facebook. Tuy nhiên, mình mới chỉ bôi kem được 2 ngày thì da mặt mình bỗng nhiên mẩn đỏ, sưng tấy. Những ngày hôm sau thì mặt nổi đầy mụn li ti, da mặt châm chích. Lập tức mình đến phòng khám da liễu để kiểm tra và được các bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng với mỹ phẩm”.
Trường hợp của chị Minh Yến (40 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cũng tương tự khi chị đã phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng để điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương do sử dụng một bộ sản phẩm chăm sóc da mua tại một cơ sở spa gần nhà được chiết vào trong một chai thủy tinh, không có tem nhãn và không biết thành phần có trong sản phẩm.
Tác hại khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến ở nước ta. Mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thường là mỹ phẩm giá rẻ và không được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Tác hại ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng tỷ lệ thuận với thời gian và mức độ sử dụng mỹ phẩm của mỗi người. Sử dụng càng lâu dài, càng nhiều chủng loại mỹ phẩm thì mức độ nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ càng cao.
Đã có rất nhiều người phải đến bệnh viện điều trị da mặt sau một thời gian dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Thời gian gần đây, nhất là sau dịch COVID-19 thì nhiều người đã chọn phương pháp chăm sóc da tại nhà, mọi người đã nghe những công dụng truyền tai nhau để đi mua những sản phẩm dưỡng da không rõ nguồn gốc xuất xứ về sử dụng.
Theo bác sĩ Oanh, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. “Rất nhiều trường hợp khi sử dụng những loại mỹ phẩm này đã để lại nhiều tác hại trên da. Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.
Một nguy cơ nữa đó là sau khi sử dụng trong thời gian dài, da mặt bị mỏng hơn dẫn đến nguy cơ gây ung thư da. Đặc biệt khi dùng những sản phẩm có quá nhiều chì hay những kim loại nặng có thể làm cho da bị sạm hơn.
Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Những chất kim loại này khi vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết… thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh.
Theo bác sĩ Oanh, khi chọn mua mỹ phẩm, chị em cần phải chọn mua sản phẩm tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng. Một gợi ý cho chị em khi lựa chọn sản phẩm đó là kiểm tra thông qua mã vạch, tem chống hàng giả của nhà sản xuất.
Đồng thời phải lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp với loại da của mình. Để chắc chắn khi sử dụng không bị kích ứng hoặc gặp tác dụng phụ thì nên đến chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ để được thăm khám và tư vấn từ những người có chuyên môn.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo, khi sử dụng mỹ phẩm, nếu có những dấu hiệu bất thường như mẩn đỏ, da châm chích, sưng đỏ,…cần ngưng sử dụng sản phẩm đó ngay và đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu gần nhất để thăm khám. Ngoài ra khi đi khám cần mang theo loại mỹ phẩm mà chị em đang sử dụng để các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị nhanh nhất.