1. Nguyên nhân vì sao môi mỏng đi khi về già?
Khi có tuổi, bạn có thể bắt đầu nhận thấy đôi môi của mình ngày càng mỏng đi. Trên thực tế, đôi môi mỏng có thể là một trong những dấu hiệu lão hóa đầu tiên trên khuôn mặt.
Quá trình lão hóa ở môi tương tự như những thay đổi khác trên khuôn mặt. Những thay đổi này có thể bắt đầu từ những năm 30 tuổi. Điều này không có gì bất thường. Đôi môi của chúng ta đạt độ đầy đặn tối đa vào năm 16 tuổi, nhưng sẽ giảm dần về thể tích với tốc độ khoảng 1% mỗi năm sau đó.
Khi già đi, khuôn mặt bắt đầu thay đổi. Quầng thâm dưới mắt, nếp nhăn khi cười, vết chân chim hoặc một vài nếp nhăn trên trán. Những thay đổi này là kết quả của việc làn da mất đi độ đàn hồi và collagen theo thời gian. Collagen và elastin là hai loại sợi trong da giúp duy trì độ đàn hồi và độ căng tròn của da. Khi lão hóa, sự tổn thương và giảm sản xuất collagen và elastin, có thể làm cho độ dày của biểu bì và hạ bì môi giảm khiến môi trở nên mỏng và chảy xệ.
Các nguyên nhân khác có thể khiến môi mỏng bao gồm:
– Di truyền: Di truyền có thể xác định lượng collagen mà cơ thể tạo ra và phân hủy. Một số người sinh ra đã có đôi môi đầy đặn, căng mọng trong khi những người khác lại có đôi môi mỏng.
– Thiếu vitamin: Vitamin đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu vitamin, đặc biệt là B12, có thể khiến môi mỏng đi. Hơn nữa, nếu môi khô nứt nẻ, có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu các vitamin thiết yếu.
– Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời: Tia UV từ mặt trời là nguyên nhân khiến collagen trong môi bị phá vỡ.
– Hút thuốc: Nicotine từ thuốc lá có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho các mô môi, gây mỏng môi.
2. Làm gì để ngăn ngừa môi mỏng đi do tuổi tác?
Môi mỏng là hiện tượng lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngăn ngừa lão hóa môi vì lý do thẩm mỹ thì việc phòng ngừa là quan trọng.
– Ngủ đủ giấc: Điều này không chỉ tốt cho đôi môi mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể. Các nghiên cứu cho thấy ngủ từ 7 -9 tiếng mỗi đêm rất quan trọng đối với quá trình sửa chữa mô.
– Giữ ẩm cho môi: Uống đủ nước. Cơ thể phụ thuộc vào lượng nước được cung cấp đầy đủ để phục hồi làn da. Ngoài ra, để giữ ẩm cho môi có thể dùng son dưỡng môi.
– Chống nắng: Nên thoa kem chống nắng không chỉ cho da mà còn cho môi bằng son dưỡng môi có khả năng chống tia UV.
– Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Không hút thuốc, uống rượu và bổ sung vitamin chống oxy hóa như vitamin A, C và E. Nếu môi bị khô, viêm nhiễm và có các triệu chứng viêm da như ngứa ngáy, châm chích thì nên đến bệnh viện điều trị sớm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ thẩm mỹ hoặc chuyên gia da liễu về các biện pháp điều trị hoặc công nghệ làm đẹp để tăng cường độ đàn hồi cho môi. Ví dụ như retinoid bôi tại chỗ (một loại vitamin A) có thể tăng cường sản xuất collagen tự nhiên, hỗ trợ sửa chữa và phục hồi môi. Khi retinoid không mang lại hiệu quả có thể cân nhắc việc tiêm chất lầm đầy môi. Chất làm đầy môi là một lựa chọn bán vĩnh viễn để cải thiện độ đầy đặn của môi.
Quy trình nâng môi hiệu quả và phổ biến nhất là thông qua các chất làm đầy chứa axit hyaluronic hoặc có thể tiêm collagen, botox… Tuy nhiên, những lựa chọn này có xu hướng mang lại nguy cơ tác dụng phụ cao hơn và kết quả có thể không lâu dài. Chất làm đầy thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng, mặc dù kết quả của từng cá nhân sẽ khác nhau.