Hai năm trở lại đây, địa hạt thời trang nam giới ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng trước những thiết kế cơ bản, lịch lãm. Ngược lại, thời trang đường phố đặt nặng logo có dấu hiệu chững lại. Điều này được thể hiện rõ qua sự lên ngôi mạnh mẽ của âu phục tại các tuần lễ thời trang vừa qua.
Dù nền thời trang nhìn chung đang phải trải qua nhiều thách thức vì lạm phát giá cả, chuỗi cung ứng gián đoạn và sở thích của người tiêu dùng thay đổi, nhưng thị trường thời trang nam lại đang ghi nhận sự bùng nổ doanh số chưa từng có. Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh số bán hàng menswear toàn cầu dự kiến sẽ đạt 547,9 tỉ USD vào năm 2026.
Số liệu thống kê từ Lefty cho thấy tuần lễ thời trang nam mùa Thu Đông 2023 khép lại hồi tháng 1 năm nay đã mang lại tổng giá trị truyền thông lên tới 151 triệu đô la, tăng 41% so với mùa trước. Còn công ty dữ liệu người tiêu dùng Statista dự đoán doanh thu phân khúc đồ nam ở Anh sẽ tăng 2,06% mỗi năm cho đến năm 2027. Ở thời trang nữ, mức tăng trưởng này là 2,17%.
Những con số đó cho thấy cán cân giữa thời trang nam và thời trang nữ đã bắt đầu dịch chuyển. Thời trang nữ không còn chiếm ưu thế áp đảo trong sân chơi thời trang do các nhà mốt giờ đây đã có định hướng phát triển đồ nam bài bản hơn. Không chỉ dừng lại ở mảng ready-to-wear, đồ nam còn thống trị lãnh địa haute couture xa hoa. Sự xuất hiện của menswear trong thế giới thủ công haute couture không phải mới, nhưng trước đây, nó chỉ tồn tại một cách rải rác. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của thời trang nam đã khiến các thương hiệu xa xỉ không thể làm ngơ trước mảnh đất màu mỡ này.
Valentino, Balenciaga, Azzaro là những nhà mốt đều đặn ra mắt nhiều thiết kế dành cho nam giới trong bộ sưu tập Haute Couture. Dù được vay mượn nhiều chi tiết từ đồ nữ như đường cắt nối uyển chuyển, bèo nhún, rosette, hiệu ứng phối màu color-block, lông vũ, sequin…, nhưng những bộ trang phục dành cho cánh mày râu của các thương hiệu này vẫn mang phong thái lịch lãm và mạnh mẽ nhờ kỹ thuật dựng phom cứng cáp và đường may sắc bén. Trong khi đó, Dolce & Gabbana dành riêng BST “Alta Sartoria” (sánh ngang bộ sưu tập Haute Couture) cho trang phục nam giới. Kể từ năm 2012 khi không còn tham gia vào Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris, Dolce & Gabbana đã đem BST “Alta Sartoria” đến nhiều thành phố như New York (2018), Sicily (2019), Venice (021), Miami (2022)… Đây là cách bộ đôi nhà thiết kế Domenico Dolce và Stefano Gabbana tôn vinh nghệ thuật chế tác thủ công nước Ý với thế giới.
Sự đổi mới trong thời trang thường diễn ra theo hai hướng. Hướng thứ nhất, các nhà thiết kế sửa đổi lại các chi tiết trang trí hoặc họa tiết nhưng giữ nguyên phom dáng cơ bản. Hướng thứ hai tập trung vào sự thay đổi cấu trúc trang phục. Đây là hướng phát triển tương đối phức tạp, đòi hỏi ở nhà thiết kế độ nhạy bén, sự khéo léo trong cách xử lý chất liệu và vận dụng kỹ thuật cắt may.
Thập niên 2020 đánh dấu một cuộc cách mạng kiểu dáng đúng nghĩa của thời trang nam. Chắc hẳn bạn còn nhớ trong giai đoạn 2016-2019, streetwear là xu hướng bành trướng khắp làng mốt. Có lẽ nó sẽ còn tiếp tục ở vị trí đỉnh cao thêm vài năm nữa nếu không có sự xuất hiện đột ngột của Covid-19. Khi nam giới không có cơ hội ra đường chưng diện những món đồ nhiều logo, trang phục lịch thiệp và thoải mái được họ lựa chọn nhiều hơn để luôn sẵn sàng tham dự các buổi họp trực tuyến.
“Thế hệ trẻ mặc âu phục theo cách vô cùng mới mẻ”, Jason Gerrard, giám đốc điều hành của nhà phân phối menswear Threadology, cho biết. Áo sơ mi đi cùng quần âu, áo hoodie phối với quần joggers hay áo phông với quần jeans đã không còn là những lựa chọn mix & match trang phục nam được yêu thích nhất trong bối cảnh đương đại. Giờ đây, các thương hiệu nỗ lực tạo ra những phép lai giúp thay đổi góc nhìn của giới mộ điệu về menswear: chững chạc nhưng rất mực thoải mái.
Nhà thiết kế quá cố Virgil Abloh từng dự báo: “Thời trang đường phố một lúc nào đó cũng phải lụi tàn”. Thời điểm đó, người ta chỉ cho rằng đây là một câu nói nhằm đánh bóng bộ sưu tập chuẩn bị ra mắt của nhà sáng lập Off-White, bởi không thể có chuyện một kẻ cuồng streetwear như Virgil lại dễ dàng từ bỏ streetwear như vậy. Ấy vậy mà những gì ông dự đoán đã trở thành hiện thực. Cuộc “hôn phối” giữa streetwear với thời trang cao cấp vào năm 2017 (cú bắt tay giữa Supreme và Louis Vuitton) giúp vị trí của streetwear được củng cố vững chắc hơn, nhưng đúng hơn nữa, nó tạo ra nguồn cảm hứng để trẻ hóa âu phục cổ điển, để từ đó dòng âu phục may đo hiện đại neo-tailoring ra đời. Tính đến hiện tại, vẫn chưa có dòng trang phục nào có tính ứng dụng linh hoạt cho mọi hoàn cảnh có thể thay thế được neo-tailoring. Ngay cả mảnh đất đòi hỏi nhiều sự đa dạng như thời trang nữ cũng phải nương theo neo-tailoring để tạo ra những ý tưởng sáng tạo đột phá từ âu phục.
Giày loafers lên ngôi còn giày sneakers dần mất đi vị thế. Loafers trở thành sản phẩm phổ biến nhất năm 2022 với mức tăng hơn 54% so với năm 2021. Phụ kiện nam cũng là danh mục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh hai năm nay do nhu cầu mua sắm mắt kính, túi xách và trang sức ở giới mày râu tăng mạnh. Trong đó, phụ kiện da rất được yêu chuộng bởi kiểu dáng đĩnh đạc, trang trọng và quyền lực. Đây cũng là thế mạnh của nhiều nhà mốt tầm cỡ. Thống kê của Retviews cho thấy Saint Laurent và Louis Vuitton là hai thương hiệu tập trung vào phụ kiện da nhiều nhất; phụ kiện da lần lượt chiếm 30% và 28% trong danh mục sản phẩm của họ. Ngoài ra, điều đáng chú ý là những món phụ kiện mang phong cách lịch lãm và trưởng thành có vẻ chiếm ưu thế hơn so với các thiết kế theo xu hướng ngắn ngày.
Nhưng dù hướng đến sự trưởng thành, không có nghĩa là menswear đang trở nên già cỗi. Các thương hiệu thời trang vẫn đang nỗ lực đưa tinh thần trẻ trung và năng động của thường phục, streetwear cũng như các phong cách thời trang khác vào âu phục cổ điển nhằm trẻ hóa dòng sản phẩm mang tinh thần vượt thời gian này. Ngoài ra, sự kết hợp giữa các món đồ cổ điển và hiện đại cũng tạo nên nhiều phép lai mới mẻ cho những tín đồ yêu thích dòng tailoring thế hệ mới.
Tác giả: Hoàng Bảo