Collagen là loại protein có nhiều nhất trong cơ thể và cung cấp cấu trúc cho da, sụn, xương và mô liên kết. Collagen rất quan trọng đối với quá trình chữa lành vết thương, hình thành sẹo, chức năng cơ xương, lưu lượng máu và thị lực…
Khi chúng ta già đi, khả năng sản xuất collagen của cơ thể sẽ giảm và chất lượng collagen cũng giảm theo với sự xuất hiện của các nếp nhăn và làn da chảy xệ.
Trong quá trình lão hóa, việc giảm dần lượng collagen có thể dẫn đến mất thể tích quanh mắt hoặc mặt và khó khăn về vận động hoặc có thể gây đau khớp.
Collagen là loại protein có nhiều nhất trong cơ thể và nó cung cấp cấu trúc cho da, sụn, xương và mô liên kết…
1. Chất bổ sung collagen có hiệu quả không?
Các nhà sản xuất thường quảng cáo chất bổ sung collagen có khả năng phục hồi độ săn chắc của da, tăng cường sức khỏe của xương và giúp tóc, móng chắc khỏe. Nhưng các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về việc liệu trên thực tế, những chất bổ sung này có thể mang lại những kết quả mong đợi hay không.
Có một số bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của việc bổ sung collagen. Một phân tích tổng hợp được công bố trên Tạp chí Da liễu Quốc tế vào năm 2021 đã kết luận, rằng việc bổ sung collagen trong 90 ngày, có thể làm giảm nếp nhăn và cải thiện độ ẩm cũng như độ đàn hồi của da.
Một nghiên cứu năm 2022 cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung collagen trọng lượng phân tử thấp bằng đường uống có thể cải thiện nếp nhăn, độ đàn hồi, độ ẩm và tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da mặt mà không có tác dụng phụ.
2. Những cách thay thế để cải thiện sản xuất collagen
Vitamin C giúp tăng sản xuất collagen.
Ngoài các chất bổ sung, có nhiều cách để giúp tăng sản xuất collagen. TS. Kunal Malik, bác sĩ da liễu tại thành phố New York cho biết, có thể sử dụng vitamin C tại chỗ dưới dạng axit L-ascorbic, kết hợp với axit ferulic và alpha-tocopherol (vitamin E). Ba thành phần này có tác dụng tổng hợp chống oxy hóa và bảo vệ chống lại tia UV, nguyên nhân không chỉ gây lão hóa da mà còn gây ung thư da. Hiệu quả còn mạnh mẽ hơn khi kết hợp vitamin C+E và ferulic với SPF.
Việc chống nắng đặc biệt quan trọng vì tác hại của tia cực tím tạo ra các gốc tự do. Các gốc tự do này làm tăng số lượng enzyme phá vỡ collagen. Tác hại của tia cực tím khiến collagen bị phân hủy nhanh hơn rất nhiều so với quá trình lão hóa thông thường. Vì vậy bôi kem chống nắng có SPF tối thiểu 30 hàng ngày là biện pháp bảo vệ tuyệt vời chống lại sự thoái hóa collagen.
Ngoài ra, bất kỳ quy trình chăm sóc da chống lão hóa nào cũng nên bao gồm một số loại thành phần thúc đẩy quá trình tạo ra collagen, bao gồm các dẫn xuất vitamin A (như trong retinol, retinoate và bất kỳ sản phẩm nào có chữ “retin”), peptide (là những chuỗi axit amin ngắn hơn đóng vai trò là khối xây dựng cho collagen) và axit hyaluronic (hoạt động như ‘chất keo’ giữa các khối xây dựng axit amin).
Theo các nhà nghiên cứu, bôi kem collagen sẽ không có ý nghĩa, vì phân tử collagen quá lớn để có thể vượt qua chất mang trên da. Mặc dù không thể hấp thụ collagen qua da, nhưng có thể hấp thụ nhiều loại phân tử khác, vừa hỗ trợ tổng hợp collagen, vừa điều hòa quá trình thoái hóa collagen.
Ví dụ, như niacinamid và coenzym10 là những chất tăng cường collagen tuyệt vời có thể được hấp thu tại chỗ. Bổ sung bằng đường uống sản phẩm có chứa vitamin C, kẽm, mangan, coenzym Q10, glycine, proline và đồng cũng có thể giúp tạo ra collagen mới. Những thành phần này được gọi là “đồng yếu tố”, là những phân tử cần có mặt trong quá trình sản xuất collagen. Ngoài ra, những phân tử đơn giản hơn này có thể được hấp thụ qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn.
Hút thuốc và tiêu thụ quá nhiều đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn có thể làm giảm nồng độ collagen… Do đó, chúng ta cần điều chỉnh các thói quen sinh hoạt này để giúp tăng lượng collagen như: Bỏ hút thuốc, hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều nước, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, chú trọng vào thực phẩm nguyên chất, có nguồn gốc thực vật…
Vệ sinh giấc ngủ tốt và giảm căng thẳng cũng rất hữu ích trong việc duy trì các quá trình tế bào điều chỉnh tổng hợp hoặc phân hủy collagen.