1. Biểu hiện của viêm da cơ địa
Chàm thể tạng hay viêm da cơ địa có biểu hiện rất đa dạng. Ở từng giai đoạn tổn thương, bệnh lại có những triệu chứng khác nhau.
– Giai đoạn cấp tính: Đặc trưng bởi các đám ban đỏ hình tròn, trên bề mặt có các mụn nước, dịch viêm, bong trợt, vảy tiết, xung quanh bị phù nề. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân thường rất ngứa, bỏng rát, làm cho người bệnh bị mất ngủ, gãi nhiều có thể làm da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
– Giai đoạn mạn tính: Do bệnh nhân gãi nhiều nên để lại các tổn thương trên da như các đám sần đỏ, dày sừng, bong tróc vảy, sưng nề, chảy nước vàng, đóng vảy tiết kèm theo rối loạn sắc tố da
Viêm da cơ địa dễ khởi phát do các yếu tố:
– Do dị ứng: Các dị ứng nguyên có từ môi trường bên ngoài như dầu gội đầu, sữa tắm; một số thành phần có trong sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, nước xả vải; thời tiết lạnh, hanh khô; khói bụi, lông thú cưng, phấn hoa, nấm mốc; thực phẩm như sữa bò, trứng, đậu phộng, đậu nành hoặc lúa mì; chất liệu vải tổng hợp, len…
Với người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các yếu tố này có thể khiến bùng phát viêm da cơ địa.
– Do thời tiết: Khi thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp khiến da dễ bị khô, nứt nẻ khiến các yếu tố nguy cơ dễ thâm nhập và làm bùng phát viêm da cơ địa.
Ngoài ra các hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, khói thuốc lá, khói bụi, nhiễm trùng da… đều có thể là yếu tố thuận lợi cho viêm da cơ địa bùng phát.
2. Chăm sóc, làm dịu làn da tại nhà
Người bị viêm da cơ địa có đột biến gen dẫn đến các cầu nối giữa các tế bào thượng bì da không được tốt cũng như các yếu tố giữ độ ẩm tự nhiên trong da cũng ít hơn da bình thường. Do đó, dẫn đến da dễ bị mất nước khiến da mất độ ẩm, da khô dễ tróc vảy.
Ngoài ra sự liên kết không được chặt giữa các tế bào da khiến các dị ứng nguyên cũng như vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh da như mẩn ngứa hơn bình thường.
Việc điều trị, chăm sóc và làm dịu da phụ thuộc từng giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn bùng phát, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn dùng các thuốc giảm viêm giảm ngứa, dạng bôi hoặc uống như kháng histamine, nhóm steroid…
Việc chăm sóc tại nhà sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và làm dịu da nhanh hơn và hạn chế tình trạng bùng phát. Ngoài dùng thuốc, phải kết hợp với sản phẩm dưỡng ẩm để tạo độ ẩm thay thế do sự khiếm khuyết vốn có trên các làn da viêm da cơ địa.
Chăm sóc tại nhà cần lưu ý:
– Hạn chế cào gãi để tránh tạo vòng lặp càng viêm nặng hơn lại càng ngứa hơn.
– Loại bỏ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể gây dị ứng như đề cập ở trên: Không tiếp xúc với hóa chất. Khi rửa bát, vệ sinh nhà cửa cần đeo găng tay cao su. Không sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, dễ gây kích ứng. Không ăn thực phẩm dễ gây dị ứng…
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ nhưng phải dùng sữa tắm dịu nhẹ, không xà phòng, không hương liệu. Sử dụng sữa tắm, dầu gội có chất làm mềm da. Dùng xà phòng giặt, nước xả quần áo không chất tẩy. Không tắm bằng nước nóng hoặc lạnh mà chỉ tắm bằng nước ấm. Không tắm quá lâu để tránh làm da mất nước. Ngoài ra, sử dụng một số sản phẩm điều trị chuyên biệt sẽ có các thành phần giúp giảm viêm da, giảm ngứa.
– Sử dụng máy tạo ẩm không khí trong phòng để tránh không khí quá khô gây viêm da.
– Bổ sung đủ chất cho cơ thể. Hàng ngày nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Trong chăm sóc viêm da cơ địa, việc sử dụng kem dưỡng ẩm là rất quan trọng, có thể coi đây là phương pháp chủ yếu để dự phòng bùng phát viêm da cấp.
3. Cách dùng chất dưỡng ẩm hiệu quả cho viêm da cơ địa
Chất dưỡng ẩm có tác dụng giúp duy trì độ ẩm cho da và phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên. Chất dưỡng ẩm tạo ra một hàng rào bảo vệ, làm giảm sự thoát hơi nước qua da và giúp da tái hồi phục nước thông qua khả năng thẩm thấu nước từ các lớp phía trong của da hoặc từ môi trường.
Kem dưỡng ẩm có tác dụng:
– Giảm viêm, giảm ngứa, giảm khô, làm mềm da.
– Ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn, ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân gây kích thích và phục hồi hàng rào bảo vệ da.
– Giảm thời gian và tần suất sử dụng corticoid.
– Phòng ngừa tình trạng tái phát viêm da cơ địa cấp tính.
Chất dưỡng ẩm có nhiều dạng bào chế khác nhau, bao gồm: Lotion, dạng cream, dạng mỡ… Tùy thuộc vào đặc tính của vùng da cần sử dụng có thể lựa chọn các loại khác nhau.
Chế phẩm dạng lotion nên sử dụng cho những vùng da đầu hoặc vùng da mặt để giảm sự bít tắc lỗ chân lông. Hầu hết các loại dạng lotion không hoạt động tốt như dạng kem dưỡng ẩm nên thường được dùng cho tình trạng da khô nhẹ vì nước trong lotion bốc hơi nhanh chóng.
Dạng cream thường chứa các chất ổn định, chất bảo quản để ngăn tách các thành phần chính và các chất phụ gia có thể gây kích ứng da hoặc thậm chí phản ứng dị ứng cho một số người. Do đó dạng này khi dùng cần có tư vấn của bác sĩ.
Dạng mỡ có kết cấu đặc hơn, giúp làm ẩm da bằng cơ chế ngăn mất nước. Dạng này rất tốt trong việc giúp da duy trì độ ẩm nhưng thường gây bết dính, bóng và bít tắc lỗ chân lông nên thường dùng cho những vùng da như tay, chân…
Các chất dưỡng ẩm cải thiện tình trạng hydrate hóa trên da và làm da trở nên mềm mại, bóng… có tác dụng lấp đầy khoảng cách giữa các tế bào sừng, làm cho các tế bào trở nên kết dính hơn, ngăn không cho các dị nguyên và các tác nhân gây kích ứng xâm nhập vào da.
Để sử dụng chất dưỡng ẩm đúng loại và đạt hiệu quả, nên lưu ý:
– Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng người, từng vị trí tổn thương và tình trạng khô da.
– Thoa ít nhất 2-3 lần/ngày, nếu tình trạng da vẫn chưa được cấp ẩm đủ, có thể tăng số lần sử dụng. Ngay cả khi tình trạng viêm da cơ địa ổn định vẫn cần sử dụng chất dưỡng ẩm hằng ngày.
– Sử dụng ngay sau khi tắm.
– Trong giai đoạn cấp, có thể sử dụng phối hợp với corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm video: